Như đã dự đoán từ trước khi trận đấu bắt đầu, màn đọ tài giành ngôi nhất bảng B đã diễn ra vô cùng căng thẳng bởi tính chiến thuật đậm đặc trong lối chơi của cả hai đội.
Xem thêm bài viết liên quan:
Chile là đội đã kiểm soát phần lớn thời lượng bóng trong hiệp một nhưng hầu như không thể tạo ra đột biến đáng kể nào. Những thay đổi trong hiệp hai đã mang tới tác dụng ngược cho đoàn quân của Jorge Sampaoli, trong khi đó Hà Lan thể hiện rõ bản lĩnh của một ông lớn với những pha ăn bàn chất lượng.
Một chọi một
Cả hai đội đều ra sân với sơ đồ 3-5-2 nhưng cách sắp xếp tương đối khác nhau. Sự khác biệt đầu tiên nằm ở khu vực hoạt động của cặp tiền đạo. Trong khi Hà Lan vẫn sử dụng một cặp tiền đạo hoạt động ở trung lộ khi Jeremain Lens là sự thay thế trực tiếp cho Robin Van Persie thì Chile vẫn tiếp tục sử dụng hai tiền đạo lệch cánh là Alexis Sanchez và Eduardo Vargas.
Sự khác biệt thứ hai nằm ở bộ ba trung tuyến. Bên phía Chile, Charles Aranguiz dâng cao hơn như một tiền vệ công, sau lưng anh là cặp tiền vệ trụ Marcelo Diaz – Felipe Gutierrez. Hà Lan có sự thay đổi so với cách bố trí thường lệ: thay vì sử dụng một mô hình tương tự đối thủ với Wesley Sneijder là tiền vệ công phía trên hai tiền vệ trụ, họ chọn phương án một tiền vệ trụ (Nigel De Jong) – hai tiền vệ hai bên (Georginio Wijnaldum và Sneijder).
Điều quan trọng nhất chính là việc ba tiền vệ của Hà Lan theo sát ba cái tên bên phía đối thủ theo phong cách một-kèm-một kỷ luật. Aranguiz, Diaz và Gutierrez cố gắng di chuyển xoay vòng vị trí cho nhau nhưng lần lượt De Jong, Sneijer và Wijnaldum chẳng ngại gì rời khỏi vị trí lý thuyết để theo sát người mình đã được phân công.
Giải đấu này là khoảng thời gian mà mọi lý thuyết về vai trò của Sneijder đã bị xóa bỏ trong cách dùng người của Louis Van Gaal. Không quá bất ngờ khi trong hiệp một, anh chỉ nhận được 4 đường chuyền từ cách đồng đội, chuyền thành công 2/6 lần – con số quá ít ỏi với một “số 10”, nhưng là không bất ngờ anh đâu có được làm nhà tổ chức.
Sneijder chỉ nhận được 4 đường chuyền trong hiệp một
Khác biệt về cách vận hành
Dù cùng sử dụng sơ đồ 3-5-2 và chỉ có khác biệt nhỏ trong cách sắp xếp ba tiền vệ trung tâm nhưng xét về cách thức vận hành thì Hà Lan và Chile gần như trái ngược nhau hoàn toàn.
Về phía Chile, họ vẫn đẩy tuyến hậu vệ lên rất cao và chủ động sử dụng những đường chuyền ngắn để dần dâng lên. Trong khi đó, Hà Lan cũng dâng cao hàng thủ – một điều không hẳn là liều lĩnh bởi các trung vệ của họ trận này như Stefan de Vrij hay Daley Blind đều có tốc độ không tồi. Tuy nhiên, hàng công của họ lại lui về rất thấp. Hãy tưởng tượng rằng mặt sân có thể chia ra thành 4 phần, thì cả 10 cầu thủ của họ đều giữ vị trí trong khoảng 1/4 sân nhà cạnh vạch giữa sân.
Chính vì thế, Hà Lan gần như không để hở ra bất kỳ một khoảng trống thực sự nào mỗi khi Chile cầm bóng. Không quá bất ngờ khi trong hiệp đấu này, những cặp đôi chuyền cho nhau nhiều nhất của Chile là Medel cho Silva và Medel cho Jara. Bản thân Medel thậm chí đã có số đường chuyền đúng địa chỉ… nhiều hơn toàn bộ tập thể Hà Lan cộng lại.
Không quá bất ngờ khi Chile kiểm soát bóng tới 74%, nhưng những đường bóng dài – họ liên tục phải phất bổng vào các khoảng trống phía sau hàng thủ Hà Lan vì không tìm ra con đường xuyên phá tuyến phòng ngự kín kẽ của đối thủ.
Nếu không sử dụng những đường bóng dài, họ dễ dàng mất bóng trước tầng phòng ngự dày người của Hà Lan. Cho tới hết hiệp một, Hà Lan đã tắc bóng thành công tới 16 lần.
Xem thêm bài viết liên quan:
Trong khi đó, Oranje vẫn trung thành với lối phất dài ngay lập tức mỗi khi thu hồi được bóng cho cặp Robben – Lens bứt tốc. Tuy nhiên phương pháp này hầu như không thể phát huy hiệu quả. Tình huống nguy hiểm nhất mà Hà Lan tạo ra đến từ pha rê bóng hơn 40 mét của Robben.
Kỹ thuật và tốc độ của Robben & Lens mang tới cho Hà Lan những quả phạt xung quanh vòng cấm – một điều đáng quí dù không được tận dụng hiệu quả.
Thay đổi sai lầm của Sampaoli
Có lẽ HLV Jorge Sampaoli hiểu rằng, mọi chuyện sẽ không thể thay đổi nếu hiệp hai vẫn diễn ra như hiệp một, và ông quyết định tạo ra thay đổi: thay tiền vệ trung tâm Gutierrez bằng cầu thủ chạy cánh Jean Beausejour. Sơ đồ chiến thuật của Chile chuyển sang dạng 3-4-3 với Vargas chuyển hẳn vào đá tiền đạo cắm.
Mục đích của ông dường như để tạo ra sự áp đảo về quân số ở hai biên, qua đó gây đột biến với những tình huống chồng cánh 2 chọi 1.
Tuy nhiên Sampaoli đã quên mất rằng, việc rút một tiền vệ trung tâm ra đương nhiên sẽ mang tới lợi thế cho Hà Lan ở khu vực này. Thế cân bằng một-chọi-một ở hiệp một đã bị phá bỏ, ngay lập tức 3 người của Hà Lan lấn áp 2 người của Chile ở giữa sân và những cơ hội được tổ chức bài bản liên tục đến. Chỉ trong 25 phút đầu hiệp hai, họ đã có 35 đường chuyền về phía 1/3 sân của đối thủ, thành công 20 lần (so với 17 và 2 của hiệp một), không ít trong số đó là những đường chuyền ngắn thuận lợi.
Những đường chuyền tới 1/3 sân đối thủ của Hà Lan từ phút 45 đến phút 70
Chile sửa lỗi, Hà Lan ăn bàn
Dĩ nhiên, Sampaoli không thể không nhận ra việc đội bóng của ông không thể kiểm soát được nhiều bóng như trong hiệp thi đấu đầu tiên. Trước liên tiếp những áp lực lên khung thành Chile, vị HLV đầu trọc đưa vào sân Jorge Valdivia vào sân thay trung vệ Silva phút thứ 70. Sơ đồ của Chile đổi thành 4-3-3.
Trong lúc đó, Louis Van Gaal đã đưa Leroy Fer – một tiền vệ trung tâm đích thực vào sân thay cho Sneijder. Chính cầu thủ cao 1m88 này đã mang về bàn thắng mở tỉ số với pha bật nhảy giữa những cầu thủ lùn xủn bên phía Chile.
Mauricio Pinilla được đưa vào sân thay cho Vargas như giải pháp cuối cùng của HLV Sampaoli nhưng anh không mang lại được điều gì mới mẻ, trong khi đó Hà Lan vẫn sắc bén trong pha phản công cuối trận để có bàn thứ hai. Robben như không thể cản phá và pha “dọn cỗ” của anh đã được Memphis Depay “đớp” gọn. Siêu dự bị là đây.
Kết luận
Sampaoli đã hơi nóng vội trong quyết định thay người mà quên đi vai trò của sự cân bằng giữa hai đội trong hiệp một. Chính sự vội vàng trong thay người đã dẫn đến sai lầm và mang về sự chủ động cho Hà Lan ở đầu hiệp hai.
Oranje sau cùng vẫn chiến thắng nhờ những pha bóng sở trường của họ tại World Cup năm nay, đặc biệt là bàn thứ hai – một pha phản công thần tốc với mũi khoan phá Arjen Robben.
Nếu tìm được sự cân bằng, Chile sẽ tiếp tục đóng vai “ngựa ô” ở cúp vô địch thế giới lần này. Họ cần học tập từ chính Hà Lan của Van Gaal.
Xem tất cả series bài “Phân tích chiến thuật World Cup 2014”:
- Chung kết World Cup 2014, Đức 1-0 Argentina: Bàn thắng bằng vàng
- Trước thềm chung kết World Cup 2014: Những điểm nhấn chiến thuật
- Brazil 0-3 Hà Lan: Thành bại tại hàng công
- Hà Lan 0-0 Argentina: Chặt chẽ, toan tính, cuối cùng là đấu súng
- Đức 1-0 Pháp: Một bàn là đủ
- Mổ băng: Thôi thì, lại vỗ tay cho Van Gaal!
- Bồ Đào Nha 2-1 Ghana: Chiến thắng vớt vát
- Uruguay 1-0 Italy: Chiến thắng ở những phút cuối cùng
- “Siêu kinh điển” chiến thuật tại Sao Paulo
- Pháp 5-2 Thụy Sĩ: Phản công
- Uruguay 2-1 Anh: Không chỉ là Suarez, nhưng tất cả là Suarez!
- Chile 2-0 Tây Ban Nha: Cơn cuồng phong màu trắng
- Nga 1-1 Hàn Quốc: Quyết định đúng của Capello giúp Nga giành lại một điểm
- Đức 4-0 Bồ Đào Nha: Hủy diệt